(Bài viết đã được đăng tải tại số 06 (127) /2019 Tạp chí Khoa Học Pháp Lý Việt Nam)
ThS. Lê Trần Quốc Công*
Tóm tắt
CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) được xem là một trong những hiệp định Thương mại thế hệ mới mà khi Việt Nam tham gia sẽ tạo thành một tiền đề quan trọng để thúc đẩy cải cách các thể chế theo cam kết và chuẩn mực chung của kinh tế thế giới. Nội dung của hiệp định này không còn gói gọn trong các lĩnh vực truyền thống như Thương mại hàng hóa, dịch vụ hay sở hữu trí tuệ mà còn yêu cầu các quốc gia ký kết phải mở cửa một cách sâu rộng trong nhiều lĩnh vực khác. Một trong số đó là các cam kết liên quan đến Thương mại điện tử (Electronic Commerce).
Thương mại điện tử không phải là một lĩnh vực mới mẻ đối với các quốc gia phát triển như Canada, Nhật Bản hay Úc… và cũng cần khẳng định rằng, Thương mại điện tử tại Việt Nam dần đóng vai trò cực kỳ quan trọng khi có đến hơn 45% dân số hiện nay đã tiếp cận được với Internet và tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đã đạt tới 25% trong năm 2017. Vì thế, khi CPTPP có hiệu lực, với những quy định về Thương mại điện tử được giữ nguyên lại từ TPP-12, đặt ra cho Việt Nam những yêu cầu nhất định phải tuân thủ đồng thời tìm kiếm những giải pháp pháp lý trong nước nhằm chống lại những rủi ro đến từ quá trình hội nhập trong lĩnh vực thương mại điện tử.